Đăng nhập

Cổng TTĐT Xã Yết Kiêu - Huyện Gia Lộc

23/4/2023  |  English  |  中文

Đảng ủy - Xã Yết Kiêu

DANH SÁCH BCH, ĐB, UBKT.xls

TÓM TẮT LỊCH SỬ ĐẢNG BỘ 

XÃ YẾT KIÊU, GIA LỘC, HẢI DƯƠNG

I. LỊCH SỬ ĐẢNG BỘ XÃ YẾT KIÊU

Yết Kiêu là xã nằm ở phía Tây huyện Gia Lộc, phía Đông giáp xã Thống Nhất, phía Tây giáp xã Long Xuyên và xã Cổ Bì huyện Bình Giang, phía Nam giáp xã Lê Lợi và Thị Trấn Gia Lộc, phía Bắc giáp xã Cẩm Đoài huyện Cẩm Giàng. Với diện tích tự nhiên: 11,53 km2, dân số: 16.247 người.

Thời Pháp thuộc, đơn vị hành chính dưới huyện là tổng. Xã Yết Kiêu thuộc tổng Phương Duy gồm 19 thôn: Tiên Lý, Lương Nham, Khăn, Gạch, Huyền Bủa, Lương Xá, Phương Xá, Khuông Phụ, Hạ Bì, Hoàng Kim, Thượng Bì, Vân Am, Vân Độ, Thanh Khơi, Hưng Long, Đại Mái, Bá Xuyên, Chệnh, Bá Thủy. Cách mạng tháng 8 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Nhà nước bỏ cấp tổng. Tháng 4/1946, tổng Phương Duy được chia làm 3 xã: Phương Duy (xã Gia Hòa), Dân Chủ (xã Yết Kiêu), Cộng Hòa (xã Trùng Khánh). Đến tháng  3/1948, trên Quyết Định sáp nhập 2 xã Phương Duy và Dân Chủ làm một, lấy tên là xã Yết Kiêu. Đầu năm 1956 lại tách xã Yết Kiêu thành 2 xã: Yết Kiêu và Gia Hòa.

Tháng 12/2019, thực hiện Nghị quyết 788 của Ủy ban thường vụ Quốc hội,về việc sáp nhập xã trên địa bàn tỉnh Hải Dương và quyết định số 500 của Huyện uy Gia lộc sáp nhập 3 xã Yết Kiêu, Gia Hòa và Trùng Khánh lấy tên là xã Yết Kiêu.

Đảng bộ xã Yết Kiêu được thành lập ngày 20/7/1947 với 3 đảng viên, đến nay khi sáp nhập 3 xã đã có 788 đảng viên, trong đó số đảng viên được tặng huy hiệu 30 năm tuổi đảng trở lên là 368 đồng chí, có nhiều đồng chí qua quá trình phấn đấu,rèn luyện, cống hiến đã trưởng thành  và trở thành  cán bộ nguyên cao cấp và cao cấp của Đảng và Nhà nước.

Yết Kiêu là xã có từ lâu đời với truyền thống cần cù lao động, anh dũng kiên cường trong đấu tranh bảo vệ quê hương đất nước, người dân địa phương qua các thế hệ nối tiếp nhau giữ gìn và phát huy truyền thống quê hương. Những di sản văn hóa do các thế hệ người dân Yết Kiêu để lại đến ngày này còn khá phong phú như hệ thống đình, đền, chùa, miếu thờ các vị thần, các danh tướng, đặc biệt là Đền Quát thờ danh tướng Yết Kiêu có từ đời Trần đã được nhà nước xếp hạng di tích lịch sử quốc gia. Xã có môn thể thao truyền thống là Bơi trải, tương truyền có tờ thời Yết Kiêu để lại nay đã trở thành một hoạt động văn hóa phát triển mạnh ở địa phương.

Nhân dân trong xã sống chủ yếu bằng nghề xây dựng như: xây, sơn, mộc, nghề ấp nở con giống gia cầm, chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản. Đời sống nhân dân ngày càng phát triển, không còn nhà tranh tre vách nứa, thay vào đó là những ngôi nhà cao tầng khang trang, đường làng ngõ xóm được bê tông hóa. 100% số hộ dân dùng điện sinh hoạt hàng ngày, xã có 16/16 làng được công nhận danh hiệu Làng văn hóa, 3 khối trường của xã đều đạt chuẩn quốc gia. Xã đạt chuẩn quốc gia về y tế và xã nông thôn mới. Đó là những kết quả đáng tự hào mà Đảng bộ và Nhân dân xã Yết Kiêu đã đạt được. Xã Yết Kiêu đã trở thành thân thương gắn bó với người dân quê hương. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, từ thế hệ này sang thế hệ khác, những chủ nhân trên mảnh đất Yết Kiêu đã phải chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt và kẻ thù xâm lược để giữ gìn và xây dựng quê hương giàu đẹp ngày nay.

Sau Đại hội Đảng bộ xã lần thứ I (nhiệm kì 2020- 2025) cán bộ đảng viên và nhân dân xã Yết Kiêu đoàn kết- trí tuệ- đổi mới. Tích cực học tập và làm theo tư tưởng đạo đức phong cách Hồ Chí Minh, phấn đấu xây dựng xã Yết Kiêu đạt nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2020 - 2025, từng bước tạo nền tảng vững chắc để hoàn thiện các tiêu chí của đô thị loại V vào năm 2030.

II. LỊCH SỬ ĐẢNG BỘ VÀ NHÂN DÂN XÃ TRÙNG KHÁNH

(Giai đoạn đến tháng 12/2019)

Xã Trùng Khánh là đơn vị hành chính gắn liền với sự hình thành và phát triển của ngôi  trường Tiểu học Trùng Khánh. Vốn là một xã nhỏ nằm ở phía Tây Bắc của huyện Gia Lộc, có tỉnh lộ 395 chạy qua, nằm dưới phần hạ lưu giữa ngã ba sông Kẻ Sặt và Bá Thủy, (còn có tên là sông Đĩnh Đào), phía bắc giáp với xã Cẩm Đoài, phía Tây giáp xã Long Xuyên, phía Đông và Đông nam giáp xã Yết Kiêu, phía Đông giáp xã Thống Nhất.

Mảnh đất Trùng Khánh đã có trên 1500 năm lịch sử. Gồm có 5 thôn Hưng Long, Bá Đại, Chệnh, Thanh Khơi vàVân Độ   (tháng 6 năm 2019 sáp nhập 3 thôn Thanh Khơi, Vân Độ, Chệnh thành thôn Trịnh Thanh Vân). Chiều dài 3,2km, chỗ rộng nhất 1,8km với tổng diện tích tự nhiên khoảng 3,6km2, mang nét đặc trưng của vùng chiêm trũng, năm 2009 dân số khoảng 2592 người.

Trong phong trào Cần Vương và cuộc khởi nghĩa bãi Sậy của Nguyễn Thiện Thuật, các làng trong xã lúc bấy giờ là các căn cứ chống Pháp của các ông Tiền Đức, Thống Kênh. Tại ngã ba kênh Trõ (cuối làng Hưng Long) nghĩa quân đã xây dựng một đồn tiền tiêu để kiểm soát và trấn giữ ngã ba sông này và được nhân dân hưởng ứng nhiệt tình, đóng góp nhiều công sức tiền của cho nghĩa quân.

Ngày 05/10/1946 chi bộ Đảng đầu tiên được thành lập với 5 đảng viên đến năm 2009 chi bộ có 154 đảng viên. Đảng bộ, chính quyền xã nhiều năm liền được công nhận và tặng cờ tổ chức cơ sở đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh.

Trải qua ba cuộc kháng chiến, xây dựng và bảo vệ tổ quốc, xã có mẹ Vũ Thị Ỏng được truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng, có anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Thanh Bình; xã có nhiều người con ưu tú đã anh dũng hy sinh và được suy tôn liệt sĩ, hàng trăm người được tặng thưởng huân huy chương các loại. Đó là minh chứng khẳng định thành tích lãnh đạo, sự hy sinh, đóng góp to lớn của của các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân Trùng  Khánh, góp phần tô thắm lá cờ quyết chiến, quyết thắng của dân tộc ta, đồng thời viết lên những trang sử vẻ vang rất đỗi tự hào của Đảng bộ và nhân dân Trùng Khánh trong công cuộc xây dựng, bảo vệ quê hương, đất nước.

Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đặc biệt là 30 năm đổi mới, kinh tế, xã hội xã Trùng Khánh đã phát triển nhân và bền vững. Trật tự an ninh quốc phòng được đảm bảo vững chắc. Công tác văn hóa,  y tế giáo dục, thể dục thể thao văn nghệ được phát triển. Tỷ lệ hộ nghèo giảm, đời sống vật chất và tinh thần được cải thiện, xã có 5/5 thôn được công nhận "Làng văn hóa và Làng an toàn về an ninh trật tự". Nhiều năm liên tục Đảng bộ được công nhận Đảng bộ trong sạch vững mạnh, Chính quyền tiên tiến xuất sắc và được tặng thưởng nhiều cờ, giấy khen, bằng khen các loại.

Tháng 12/2019, sau khi sáp nhập vào xã Yết Kiêu, cán bộ và nhân dân Trùng Khánh tiếp tục phát huy những truyền thống tốt đẹp của mình tiếp tục xây dựng quê hương Yết Kiêu ngày càng giàu đẹp, văn minh.

        

 Nguồn: Đảng bộ xã Yết Kiêu